(Nguồn: ThanhtraVietNam) – Từ năm 2013 đến tháng 10/2016, hơn 120 chuyên gia từ 25 nước cùng với đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) đã tiến hành thảo luận, thông qua sau 6 cuộc họp quốc tế, Hệ thống Quản lý Hối lộ được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (International Organization for Standardization – ISO) chính thức ban hành và áp dụng rộng rãi trên thế giới với tên gọi là ISO 37001. Bài viết dưới đây, tác giả nêu lên việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 37001:2018 vào công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay
ISO 37001 được thiết kế để xây dựng văn hóa chống hối lộ trong tổ chức và thực thi những biện pháp kiểm soát phù hợp, từ đó, làm tăng khả năng phát hiện hối lộ và làm giảm phạm vi ảnh hưởng của nó. Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng được thiết kế để hỗ trợ và tăng cường các nỗ lực này, tạo ra sự minh bạch và rõ ràng trong hoạt động kiểm soát của tổ chức, đồng thời cung cấp cách thức thực hiện các biện pháp này một cách hiệu quả nhất. Hệ thống này có thể độc lập hoặc được tích hợp vào hệ thống quản lý chung của tổ chức.
Phạm vi của hệ thống này bao gồm việc hối lộ tại các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực công, lĩnh vực tư và các lĩnh vực phi lợi nhuận, bao gồm các hoạt động hối lộ bởi tổ chức hoặc các nhân viên của tổ chức và hoạt động hối lộ được trả hoặc được nhận bởi một bên thứ ba. Hối lộ có thể diễn ra ở bất cứ đâu, có giá trị từ rất nhỏ đến rất lớn và có thể bao gồm các lợi ích về tài chính cũng như phi tài chính.
Các yêu cầu trong ISO 37001 mang tính tổng quát và có xu hướng áp dụng cho tất cả các tổ chức (hoặc các bộ phận của tổ chức), không phụ thuộc vào loại hình, quy mô và bản chất của các hoạt động, cũng như lĩnh vực hoạt động như: Hành chính công, tư nhân hoặc phi lợi nhuận của tổ chức. Có thể áp dụng cho cả các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức phi chính phủ.
Các biện pháp được yêu cầu trong ISO 37001 được thiết kế để tích hợp với các quá trình quản lý và kiểm soát có sẵn của tổ chức. Qua đó, giúp tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động hối lộ, từ các hoạt động hối lộ do tổ chức hoặc dưới danh nghĩa tổ chức thực hiện, đến các hoạt động hối lộ do nhân viên hoặc đối tác của tổ chức thực hiện. Hệ thống này sử dụng một chuỗi các biện pháp đo lường và kiểm soát có liên quan đến nhau, bao gồm cả các hướng dẫn hỗ trợ và đề cập đến các yêu cầu để:
– Thông qua và phổ biến một chính sách chống hối lộ;
– Thu được cam kết và đảm bảo trách nhiệm của bộ phận quản lý đứng đầu;
– Thiết kế một quản lý hoặc bộ phận chức năng chịu trách nhiệm quản lý chống hối lộ;
– Đào tạo đội ngũ nhân viên;
– Tiến hành đánh giá định kỳ nguy cơ hối lộ, thẩm định dự án và các bên liên quan trong kinh doanh (khách hàng, nhà thầu, thầu phụ, nhà cung cấp, tư vấn viên, đối tác liên doanh, đại diện…);
– Thực hiện rà soát và kiểm soát đội ngũ nhân viên nhằm ngăn chặn hối lộ;
– Kiểm soát quà tặng, các khoản dùng cho tiếp khách, từ thiện và những thứ tương tự để đảm bảo rằng các khoản này không bị sử dụng vào mục đích tham nhũng;
– Yêu cầu các bên liên quan trong kinh doanh cam kết chống hối lộ;
– Áp dụng các biện pháp quản lý tài chính nhằm giảm nguy cơ tham nhũng (Ví dụ: đòi hỏi hai chữ ký để thực hiện thanh toán, hạn chế sử dụng tiền mặt…);
– Thực hiện các biện pháp quản lý mua sắm, thương mại và phi tài chính khác (Ví dụ: đấu thầu cạnh tranh, yêu cầu hai chữ ký để thông qua công việc thực hiện hay các hoạt động khác…);
– Cung cấp quy trình báo cáo mật (thổi còi);
– Thiết lập quy trình điều tra, xử lý các trường hợp hối lộ hoặc nghi ngờ hối lộ.
Đồng thời, Hệ thống Quản lý Hối lộ được thực hiện theo mô hình bốn bước, đó là: (1) – (Lập kế hoạch): Xác định các nghĩa vụ chống hối lộ và đánh giá rủi ro tuân thủ để xây dựng chiến lược, bao gồm các biện pháp giải quyết các vấn đề có thể phát sinh; (2) – (Thực hiện): Thực hiện các biện pháp và thiết lập cơ chế để giám sát tính hiệu quả; (3) (Kiểm tra): Tiến hành rà soát chương trình quản lý chống hối lộ trên cơ sở các điều khoản được thực hiện; (4) (Hành động): Xem xét và cải tiến chương trình liên tục, đảm bảo các trường hợp không tuân thủ được theo dõi và kiểm tra.
ISO 37001 nếu được triển khai và thực hiện nghiêm túc sẽ làm giảm rủi ro của việc hối lộ, có thể chứng minh cho các nhà quản lý trong tổ chức, nhân viên, chủ sở hữu, người góp vốn, khách hàng và các bên có liên quan đến hoạt động kinh doanh, rằng tổ chức đã thiết lập biện pháp kiểm soát chống hối lộ có hiệu quả tốt được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Trong trường hợp điều tra, nó cũng cung cấp bằng chứng cho thấy tổ chức đã có những bước hợp lý để ngăn chặn nạn hối lộ.
Theo Neill Stansbury – Chủ tịch Ban ISO chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn về chống hối lộ cho biết: “ISO 37001 sẽ giúp các tổ chức tuân thủ thực hành tốt trong công tác chống hối lộ và các yêu cầu pháp lý. Nó cũng giúp đảm bảo với người sở hữu tổ chức, ban quản lý, người lao động và các bên liên quan trong kinh doanh rằng tổ chức đang hoạt động theo đúng thực hành đạo đức kinh doanh và giúp giảm nguy cơ tổn thất tài chính và bị truy tố. Từ đó, nó sẽ cung cấp một lợi thế cạnh tranh cho tổ chức”.
Với lợi ích nêu trên, tiêu chuẩn ISO 37001 đã được một số nước trên thế giới áp dụng như: Úc, Áo, Brazil, Cameroon, Canada, Trung Quốc, Colombia, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Ecuador, Ai Cập, Pháp, Đức, Guatemala, Ấn Độ, Iraq, Israel, Kenya, Lebanon, Malaysia, Mauritius , Mexico, Morocco, Nigeria, Na Uy, Pakistan, Ả Rập Saudi, Serbia, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tunisia, Anh, Mỹ, Zambia. Và các quốc gia, vùng lãnh thổ quan sát bao gồm: Argentina, Armenia, Bulgaria, Chile, Síp, Côte d’Ivoire, Phần Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hungary, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Litva, Macau (Trung Quốc), Mông Cổ, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga , Thái Lan, Uruguay.
Hiện nay, chưa có khái niệm thống nhất về tham nhũng trong khu vực tư nhưng có thể xem định nghĩa “Tham nhũng trong khu vực tư là hành vi của người giữ một cương vị hay làm một công việc nhất định trong khu vực tư đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng của mình trong hoạt động kinh doanh vì vụ lợi” (1) là tương đối bao quát về chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng; quyền hạn được hướng tới hoặc được lợi dụng và phạm vi thực hiện hành vi tham nhũng. Cụ thể đó là:
Thứ nhất, chủ thể của hành vi tham nhũng trong khu vực tư là cá nhân hoàn toàn không mang quyền lực nhà nước. Chủ thể này giữ chức vụ, có quyền hạn trong tổ chức tư nhân hoặc có ảnh hưởng nhất định đối với tổ chức tư nhân. Vì vậy, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực tư có thể là tổng giám đốc, giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, người quản lý, phụ trách của tổ chức tư nhân hoặc bất kỳ người nào làm việc ở bất kỳ cương vị nào cho tổ chức tư nhân hoặc có thể là đối tác, luật sư, tư vấn… của tổ chức tư nhân.
Thứ hai, quyền hạn được hướng tới hoặc được lợi dụng của hành vi tham nhũng trong khu vực tư là quyền hạn không mang tính quyền lực nhà nước. Quyền hạn này mang tính tập thể, do tập thể trao cho cá nhân thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức hợp đồng. Theo đó, khi một người nắm giữ một địa vị, công việc nhất định, người đó sẽ có một số quyền cụ thể để tiến hành công việc do mình phụ trách. Hành vi tham nhũng được thực hiện dựa trên cơ sở quyền hạn này.
Thứ ba, phạm vi thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực tư thường được giới hạn trong các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại hoặc hoạt động kinh doanh. Phạm vi này được thừa nhận tương đối rộng rãi trong các văn bản pháp lý quốc tế hiện hành, tuy về mặt thuật ngữ có khác nhau. Và vì vậy, nói chung, các hoạt động dân sự hoặc phi lợi nhuận không nằm trong phạm vi này.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bước đầu đã xác định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội” (2) và “Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều này” (3). Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng trong việc điều chỉnh pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với khu vực tư.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 12/07/2016, Chính phủ Việt Nam đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực. Theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho rằng, việc tăng nhẹ điểm Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) trong hai năm liên tiếp (2016 – 2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0-100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng. Kết quả này cũng tái khẳng định đánh giá của Đảng và Nhà nước về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”(4).
Vì vậy, áp dụng tiêu chuẩn ISO 37001 vào công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là một trong các giải pháp giúp thay đổi về mặt cấu trúc và văn hóa chống hối lộ trong các lĩnh vực công, lĩnh vực tư và các lĩnh vực phi lợi nhuận, bao gồm các hoạt động hối lộ bởi tổ chức hoặc các nhân viên của tổ chức, và hoạt động hối lộ được trả hoặc được nhận bởi một bên thứ ba. Đặc biệt, là việc thực thi có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018.
Để thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực công, lĩnh vực tư và các lĩnh vực phi lợi nhuận có cơ sở để áp dụng ISO 37001, Bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 37001:2018 “Hệ thống quản lý chống hối lộ – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tại quyết định số 3762/QĐ-BKHCN và có hiệu lực từ ngày 07/12/2018. Đây chính là nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết giải quyết nạn hối lộ thông qua các thỏa thuận quốc tế như: Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Công ước về Chống hối lộ với những người thực hiện nhiệm vụ công ở nước ngoài trong các giao dịch thương mại quốc tế của OECD và Công ước của Liên Hiệp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC).
Tiêu chuẩn TCVN ISO 37001:2018 có sự phù hợp với các yêu cầu của ISO đối với tiêu chuẩn về hệ thống quản lý. Tiêu chuẩn này có thể được sử dụng kết hợp với các tiêu chuẩn khác về hệ thống quản lý (Ví dụ như: TCVN ISO 9001, TCNV ISO 14001, TCVN ISO/IEC 27001 và ISO 19600) và các tiêu chuẩn về quản lý (ví dụ như: TCVN 26000, TCVN ISO 31000).
Hiện nay, hối lộ là một hiện tượng phổ biến, là một trong những nguyên nhân làm gia tăng những quan ngại nghiêm trọng về xã hội, đạo đức, kinh tế và chính trị, làm suy yếu việc điều hành, cản trở sự phát triển và bóp méo cạnh tranh. Hối lộ cũng có thể dẫn đến thiệt hại về tính mạng và tài sản, hủy hoại lòng tin vào các tổ chức và cản trở việc vận hành công bằng và hiệu quả của thị trường. Chỉ có luật pháp thì chưa đủ để giải quyết toàn diện cho vấn đề này. Thế nên rất cần các tổ chức có trách nhiệm chủ động tham gia vào đấu tranh chống hối lộ. Điều này có thể đạt được thông qua hệ thống quản lý chống hối lộ được đưa ra trong tiêu chuẩn TCVN ISO 37001:2018 và thông qua cam kết của lãnh đạo đối với việc thiết lập văn hóa liêm chính, minh bạch, công khai và tuân thủ. Các tổ chức, doanh nghiệp cần có trách nhiệm chủ động tham gia vào đấu tranh để chống hối lộ hiệu quả./.
Luật gia – Ths. Lê Quang Kiệm